Chuyện là, mấy hôm trước bạn trai tớ lượn lờ siêu thị mua mấy gói bánh, chẳng hiểu thế nào lại tiện thể xách thêm cả “nắm” son dưỡng môi LipIce đủ các kiểu về. Lý do là “Em con gái con lứa kiểu gì môi suốt ngày nẻ toác ra thế”. Định cãi vài câu nhưng thôi anh có lòng mua thì cứ im ỉm nhận vậy. Bạn biết mà, da tớ khô, rất khô, nên môi cũng khô là chuyện dễ hiểu, đặc biệt lại vào mùa đông lạnh tê tái như thế này.

Tớ có nhiều son dưỡng lắm, đủ các hãng luôn, nhưng đối với anh người yêu của tớ thì nhắc đến son dưỡng môi chỉ có LipIce là chân ái, thậm chí ảnh còn mặc định “mọi son dưỡng trên đời đều gọi là LipIce”. Và vì LipIce chỉ trên dưới 50k/ 1 thỏi nên ảnh mua liền lúc 8 thỏi, đủ các mùi vị, bảo là cho tớ dùng dần đến tận 2019.

Bỗng dưng có nhiều son thế này mà không làm bài review thì phí nhỉ? Dù LipIce quá là quen thuộc rồi nhưng thôi kệ tớ cứ viết nhé, biết đâu vẫn còn bạn nào muốn tìm hiểu thì sao. Trong 8 thỏi son dưỡng môi LipIce của tớ, có 5 thỏi LipIce Trái cây và 3 thỏi LipIce Lip Pure, vậy nên bài review này sẽ chia làm 2 phần để nói về 2 dòng son dưỡng này nhé.

1. Son dưỡng môi LipIce Trái Cây

Nhìn hình bạn có thấy quen không? Đây chắc là 1 trong số những thỏi son “truyền thống” và lâu đời nhất của LipIce ý nhỉ. Hồi tớ bé lít nhít tầm 5-6 tuổi, cứ đến đầu đông là đã được các chị lớn dúi cho thỏi Lipbalm Trái cây của LipIce để chống nẻ rồi.

Tớ có đủ 5 mùi của dòng này luôn: dâu tây (Strawberry), Táo (Apple), Chanh (Lemon), Mâm xôi (Raspberry), Lựu (Pomegranate). Tớ thích nhất mùi thơm mát của Táo và ngọt ngào của Dâu Tây, ghét nhất là mùi chanh vì làm tớ liên tưởng đến… nước rửa bát. May sao anh người yêu của tớ không có vấn đề gì với mùi này, nên tớ “sang tên” thỏi Lemon cho ảnh luôn.

Thành phần son dưỡng môi LipIce Trái Cây khá cơ bản:

“Paraffinum Liquidum, Ozokerite, Shea Butter, Ethylhexyl Methoxycinnamate, Ethylhexyl Salicylate, Lanolin, Flavor, Dimethicone, Menthol, Camphor, Avocado Oil, Cocoa Seed Butter”

Các chất giữ ẩm như Paraffinum Liquidum (dầu khoáng), Shea Butter (bơ đậu mỡ), Avocado Oil (dầu quả bơ), Cocoa Butter (bơ cacao) giúp đôi môi mềm mượt vừa đủ, không gây nặng môi, tuy nhiên vì khả năng dưỡng ẩm chỉ ở mức vừa phải nên không đủ để chống chọi trong những ngày siêu lạnh. Lipbalm Trái cây chứa Methol + Camphor nên khi thoa lên môi có cảm giác the mát tê tê rất dễ chịu. Đặc biệt, sản phẩm còn có chỉ số chống nắng SPF15 bảo vệ môi khỏi tác hại của tia tử ngoại mặt trời nên tớ hay sử dụng vào ban ngày và dưỡng lót trước khi đánh son màu.

2. Son dưỡng môi LipIce Lip Pure

Tớ thích hoạ tiết hoa hè lá hẹ trên vỏ Lip Pure lắm, rất bánh bèo, rất hợp ý tớ, khiến tớ mới nhìn đã cảm thấy rất “natural”. Son dưỡng môi LipIce Lip Pure có 3 loại: Natural (không mùi), Bergamot (Cam Ngọt) và “lại” Chanh (Mixed Lemon), tớ mới “bóc tem” em Natural thôi nên chẳng có gì để nhận xét về mùi của dòng này cả. Nhưng về thành phần và độ dưỡng ẩm thì rất đáng bàn tới đấy nhé.

“Macadamia Seed Oil, Jojoba Seed Oil, Cera Alba, Candellia Cera, Shea Butter, Cera Microcrystalline, Carnauba Cera, Aloe Leaf extract, Flavor, Tocopheryl Acetate, Sweet Almond Oil, Grape Seed oil, TBHQ”

Bạn thấy đó, thành phần của Lip Pure hoàn toàn là các chất tự nhiên dùng trong thực phẩm. Nếu như thành phần đầu bảng (chiếm tỷ lệ nhiều nhất) của LipIce Trái cây là dầu khoáng (Paraffinum Liquidum/ Mineral Oil) thì của Lip Pure lại là dầu hạt Mắc-ca, theo sau đó là rất nhiều loại sáp, dầu, bơ thực vật và các chiết xuất thiên nhiên nữa (như sáp ong, bơ shea, dầu hạnh nhân, hạt nho, jojoba, vitamin E, chiết xuất lô hội). Bảng thành phần không chứa chất tạo màu hay chất bảo quản nên những bạn có vùng da môi siêu nhạy cảm, kể cả em nhỏ và phụ nữ có thai đều có thể yên tâm dùng dòng son dưỡng này.

Cũng chính vì LipIce Lip Pure chứa nhiều dưỡng chất nên lớp son có độ dày, nặng và bóng hơn LipIce Trái Cây, dùng qua đêm rất thích, khi ngủ dậy môi mềm và hồng hào hơn, giảm bong tróc rất nhiều. Tớ cũng đặc biệt thích cảm giác lúc “đi” Lip Pure trên môi, lớp dưỡng từ son giống như đang tan chảy và lan toả khi chạm vào môi vậy. Chiều tối đi làm về, sau khi tẩy hết son màu, tớ sẽ thoa ngay 1 lớp Lip Pure để giảm bong tróc, và bôi dày lên một chút trước khi đi ngủ để tạo thành lớp mặt nạ ngủ cho môi.

Tuy vậy, vì base hơi dày và bóng nên Lip Pure lại không phải ứng cử viên hoàn hảo để dùng làm lót dưỡng trước khi thoa son màu. Nếu môi khô nhiều và bạn vẫn muốn đệm Lip Pure trước son màu (đặc biệt là son lì), thì có thể khắc phục vấn đề này bằng cách: sau khi thoa Lip Pure, chờ khoảng 10 phút, bặm nhẹ môi qua 1 lượt khăn giấy cho thấm bớt rồi apply son màu là được nhé.

Tớ làm 1 bảng so sánh 2 loại son dưỡng môi LipIce Trái câyLip Pure để bạn dễ theo dõi:

LipIce Trái Cây

LipIce Lip Pure

Hình ảnh
Cảm giác trên môi
  • Mỏng nhẹ, ít bóng
  • The mát
  • Dày, mượt, bóng
  • Mềm mại như đang tan chảy
Khả năng dưỡng ẩm
  • Độ ẩm bình thường, nhẹ nhàng
  • Phù hợp dùng làm dưỡng lót trước khi đánh son màu.
  • Dưỡng sâu, độ ẩm rất cao.
  • Thích hợp bôi trước khi đi ngủ.
  • Nên cân nhắc nếu dùng để dưỡng lót trước khi đánh son lì.
Chống nắngSPF 15 Không có
Nên dùng
  • Môi không quá khô, thời tiết không quá lạnh (vì khả năng dưỡng ẩm chỉ vừa phải)
  • Ban ngày
  • Mùa nóng, tạo cảm giác the  mát
  • Môi nhạy cảm, rất khô, nứt nẻ
  • Ban đêm
  • Tất cả các mùa, đặc biệt là mùa lạnh và mùa hanh khô
​Giá cả49.000đ (4,3g)76.000đ (4g)

Mỗi dòng lại có những ưu nhược điểm riêng, nhưng nhìn chung, với giá thành hạt dẻ như vậy thì tớ chẳng có gì phải phàn nàn cả. Tớ đã từng dùng những loại son dưỡng đắt tiền nhưng kết quả không khác biệt nhiều với son dưỡng môi LipIce. Chưa kể LipIce còn dễ mua, và quan trọng là anh người yêu tặng nên tớ càng thích.

Hai sản phẩm son dưỡng môi của LipIce mà tớ review trong bài này đều là son dưỡng không màu, hãng còn khá nhiều dòng son dưỡng khác (cả có màu và không màu) nhưng tớ chưa có cơ hội thử. Nếu bạn đã trải nghiệm, hãy chia sẻ cảm nhận cho tớ biết với nha.

5/5 (1 Review)